Thứ hai, 09 Tháng 3 2015 08:19

Khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng 2015

Tối 05/3/2015, tại Trung tâm tổ chức Hội chợ - Triển lãm tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng năm 2015.le hoi xuan 1

Đồng chí Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh trống khai hội

Dự Lễ khai mạc có đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thành phố và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Buổi lễ còn có sự tham dự của Đoàn đại biểu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Lạng Sơn là một địa danh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; có nhiều điểm di tích văn hoá, di tích lịch sử và trên 300 lễ hội khác nhau. Tại các lễ hội, du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca trữ tình với những câu then, câu sli, hát lượn giao duyên say đắm lòng người; được hoà mình vào các trò chơi dân gian, dân vũ, các màn múa chầu, múa lân, múa sư tử, biểu diễn võ dân tộc. Ngoài ra du khách còn được khám phá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Tam Thanh, Nhị Thanh, Chùa Tiên, dải núi Mẫu Sơn hùng vĩ.... thưởng thức văn hoá ẩm thực mang đậm hương vị bản sắc dân tộc.....
Với chủ đề: "Xứ Lạng điểm hẹn mùa xuân", chương trình nghệ thuật đặc sắc mang âm hưởng mùa xuân với sự tham gia của Đoàn Nghệ thuật tỉnh cùng với các tiết mục giao lưu của các nghệ sĩ diễn viên Đoàn nghệ thuật Thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã làm cho Lễ khai mạc thêm phần long trọng.

le hoi xuan 2

Tiết mục giao lưu múa "Sen nở" của Đoàn nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc

Lễ hội Xuân Xứ Lạng năm 2015 là một sự kiện văn hoá truyền thống, qua đó giới thiệu đông đảo du khách thập phương tham gia trẩy hội, tìm hiểu hình ảnh đất nước, con người và những nét đẹp văn hoá dân tộc của người dân Xứ Lạng.


Nguồn: baolangson.vn

Thứ hai, 09 Tháng 3 2015 01:26

Khai mạc Lễ hội Chùa Tam Thanh, Tam Giáo

Sáng ngày 05/3/2015, tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đã diễn ra Lễ hội Chùa Tam Thanh, Tam Giáo.
Đến dự có đồng chí Tô Hùng Khoa Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố, các phòng, ban, đoàn thể thành phố và đông đảo nhân dân, du khách trong, ngoài tỉnh.

khai mac le hoi chua tam thanh 1

Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội Chùa Tam Thanh, Tam Giáo

Chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, Chùa nằm trong động Tam Thanh, một trong bốn điểm được mệnh danh là Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng, gồm động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành Nhà Mạc và nàng Tô Thị. Trải qua hàng thế kỉ, Chùa Tam Thanh vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp ban đầu, thu hút hàng nghìn lượt du khách gần xa. Bên cạnh sự nổi tiếng về giá trị danh thắng, Chùa Tam Thanh còn nổi tiếng về mặt tâm linh. Trong Chùa hiện còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ khá phong phú, đặc biệt là bức tượng A Di Đà được khắc trên đá phía trên cung Tam Bảo, bên cạnh đó là cung thờ Thánh Mẫu, một nét văn hóa thờ cúng rất riêng của nguời Việt.
Lễ hội Chùa Tam Thanh, Tam Giáo diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội bao gồm phần lễ là các nghi thức như rước bài vị, bát hương danh nhân Ngô Thì Sỹ từ Chùa Tam Giáo sang Chùa Tam Thanh, thỉnh chuông chùa, đánh trống khai hội, dâng hương, tế lễ trong chùa... và tại Lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như đánh cờ người, múa rồng, múa sư tử, hát sli, hát lượn, hát giao duyên của các dân tộc trên địa bàn tỉnh,..

khai mac le hoi chua tam thanh 2

Đoàn rước kiệu danh nhân Ngô Thì Sỹ

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, Lễ hội Chùa Tam Thanh, Tam Giáo được tổ chức ngày càng quy mô và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Năm nay với nhiều nét mới trong cả phần lễ và phần hội, Lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt nhân dân và du khách tham dự. Trong không khí tưng bừng vui tươi của ngày hội, hưởng ứng chủ chương của tỉnh và thành phố về phát triển kinh tế mũi nhọn là thương mại dịch vụ và du lịch, Lễ hội Chùa Tam Thanh, Tam Giáo đã góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh con người Xứ Lạng nói riêng và hình ảnh về đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế./.


Nguồn: langson.gov.vn

Thứ sáu, 06 Tháng 3 2015 08:15

Tưng bừng chơi hội Ná Nhèm

Ngày 5/3 (tức 15 tháng Giêng), UBND xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn long trọng tổ chức hội Ná Nhèm (hội Mặt Nhọ). Về dự hội có lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo huyện Bắc Sơn; đông bảo bà con nhân dân xã Trấn Yên nói riêng và bà con trên khắp các địa phương khác.

NA NHEM1

Trang điểm " mặt nhọ" cho binh lính

Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ". Người già ở Trấn Yên cũng không ai biết rõ lễ hội có từ bao giờ, chỉ biết rằng hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, dân làng lại nô nức kéo về đình mở hội. Bên cạnh nghi thức cúng thành hoàng, lễ hội Ná Nhèm còn tái hiện sự tích đánh giặc giữ làng.
Ngay từ sáng sớm, những người được phân công hóa trang thành ông tướng, người lính đã chuẩn bị bôi mặt nhọ cho nhau. Đồng thời tập luyện lại các bài quyền, đáng đao, đánh thương để chuẩn bị cho màn rước lễ vật đến miếu. Cùng đó, ông Mo đứng trước tảng đá xin âm dương, đọc bài văn cúng thần, tỏ lòng biết ơn thần đã giúp đỡ dân làng với tâm thành mời thần về dự hội, báo cáo với thần linh bắt đầu chuẩn bị về lễ, mời thần về ngự.
Sau màn đánh võ, rước lễ, 4 ông sắm vai tướng phải khom lưng, cúi đầu dâng lễ vật để thể hiện sự cung kính đối với thần.
Phần hội, thu hút đông đảo người dân tham dự, các trò chơi và diễn trò sỹ - nông – công – thương ở lễ hội Ná Nhèm khá đặc sắc. Để trò diễn được thành công bên cạnh việc lựa chọn những người khỏe mạnh, có giọng hát và năng khiếu trong việc trình diễn trước đám đông, việc luyện tập, khớp các đoạn thoại, đoạn kịch một cách chi tiết và tỉ mỉ thì trang phục và đạo cụ cũng là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành công của trò diễn. Trang phục và đạo cụ của trò diễn là những vật dụng, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày gắn liền với nghề nghiệp như: sỹ, nông, công, thương, thợ giác (Mộc), ngư, tiều, canh, mục và nghề bán kén.
Sau nhiều năm bị gián đoạn, đây là lần thứ 4 lễ hội được phụng dựng và duy trì vào đúng ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội được tổ chức nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu văn hóa lễ hội của cộng đồng, nhân dân.
Năm nay, khác với mọi năm, Ban Tổ chức lễ hội còn tổ chức thêm một số chương trình để lễ hội thêm phần đặc sắc, đó là: thi làm bánh ngon, đẹp; thi hội trại... Có thể nói rằng, lễ hội năm nay đã được tổ chức thành công tốt đẹp, thu hút đông đảo nhân dân, du khách gần xa về dự. Theo dự ước của Ban Tổ chức lễ hội, năm nay, lễ hội thu hút không dưới 2 nghìn lượt khách đến chơi hội.


Nguồn: baolangson.vn

 

Ngày 5/3/2015 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm Ất Mùi), tại xã Gia Cát, UBND huyện Cao Lộc tổ chức khai mạc Lễ hội Chùa Bắc Nga năm 2015.
Tới dự có đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số Sở, Ban, Ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Cao Lộc và các huyện, thành phố của tỉnh, cùng đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh.

chua bac nga1

Biểu diễn văn nghệ khai mạc Lễ hội Chùa Bắc Nga năm 2015

Trước khi diễn ra lễ khai mạc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, cùng đông đảo du khách đã dâng hương tại chùa. Tiếp đó, chương trình lễ hội được tổ chức với nhiều nội dung như: ôn lại truyền thuyết, sự tích hình thành Chùa Bắc Nga; biểu diễn văn nghệ quần chúng với các tiết mục mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới và hội nhập; màn múa sư tử mang đậm nét truyền thống dân gian. Tại lễ hội còn có hoạt động giao lưu hát then, hát sli, múa sư tử, hoạt động văn hoá ẩm thực; thi cắm trại và tổ chức thi đấu giao hữu thể thao, góp phần làm phong phú, sinh động cho lễ hội xuân.
Năm nay, lễ hội chùa Bắc Nga được tổ chức chu đáo, thu hút đông đảo nhân dân trong khu vực và du khách thập phương thắp hương cầu may, cầu lộc và dự hội với những nét văn hóa độc đáo.


Nguồn: baolangson.vn