Thứ tư, 15 Tháng 4 2015 08:31

Khai mạc thực tế sáng tác ảnh

Sáng 14/4/2015, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã tổ chức khai mạc thực tế sáng tác đối với Chi hội Nhiếp ảnh năm 2015. Tham dự buổi khai mạc có lãnh đạo Hội VHNT tỉnh; cùng đông đảo các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh.

khai-mac-nhiep-anh

Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, triển khai đợt thực tế sáng tác

Thực hiện Thông báo số 70 của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam về Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Miền núi phía Bắc, lần thứ 15 năm 2015 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, Hội VHNT tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đợt thực tế sáng tác đối với toàn bộ hội viên thuộc Chi hội Nhiếp ảnh. Theo đó, đợt thực tế này sẽ được Hội VHNT hỗ trợ một phần kinh phí cho các hội viên đi thực tế. Ngay sau lễ khai mạc, các hội viên đã chia thành các tổ, nhóm toả đi khắp các địa phương trong tỉnh sáng tác các tác phẩm ảnh nghệ thuật về đề tài chính: "Đất nước- Con người Miền núi phía Bắc hôm nay". Các sáng tác này tập trung thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người khu vực Miền núi phía Bắc, những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, những tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,....
Theo yêu cầu của đợt thực tế, từ nay đến ngày 5/5/2015, mỗi hội viên phải có ít nhất 5 tác phẩm ảnh để phục vụ Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc và phục vụ trưng bày triển lãm các sự kiện trọng đại của tỉnh diễn tra trong năm 2015.


Nguồn: baolangson.vn

 

Ngày 12/4/2015, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Lạng Sơn tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 và phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Thi đua, Khen thưởng tỉnh, Cụm thi đua, cán bộ, hội viên tiêu biểu của Hội VHNT tỉnh.

Hội Văn học Nghệ thuật biểu dương điển hình tiên tiến

Các tập thể, cá nhân nhận giấy khen của Chủ tịch Hội VHNT tỉnh

Trong 5 năm qua, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức tốt các phong trào thi đua, được cán bộ, hội viên tích cực tham gia và xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực như: Văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu biểu diễn.... Hội VHNT đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua, xây dựng mô hình điểm, phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến phù hợp với nhiệm vụ chính trị của cơ quan và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các phong trào thi đua đã gắn với thực hiện các nội dung "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và phong trào "Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; phong trào thi đua "Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm" của tỉnh. Trong 5 năm qua Hội VHNT tỉnh đã được UBND tỉnh tặng bằng khen thường xuyên và chuyên đề cho 13 tập thể, 23 cá nhân; tặng 4 cờ thi đua, đây là ghi nhận thành tích của Hội trong thực hiện các phong trào thi đua.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội VHNT đã quyết định tặng giấy khen cho 7 tập thể, 28 cán bộ, hội viên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015. Đồng thời phát động phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020 gồm 9 nội dung quan trọng tới toàn thể cán bộ, hội viên trong Hội VHNT của tỉnh.


Nguồn:baolangson.vn

Ngày 27/3/2015, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/BTGTU, tổ chức tổng kết và trao giải thưởng đợt 2 về sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015.
Nhằm đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc quá trình chỉ đạo, tổ chức triển khai giải thưởng; khẳng định những kết quả đã đạt được và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Qua đó rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai giải thưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác giai đoạn 2011 - 2015; Giới thiệu, tôn vinh và trao giải thưởng đợt 2 đối với tác giả, tác phẩm đạt Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Lạng Sơn...
Các nội dung tổng kết bao gồm: Tổng kết, đánh giá kết quả sau 05 năm triển khai Giải thưởng, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015; thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo đối với việc sáng tác tác phẩm tham dự giải thưởng; giới thiệu, trưng bày một số tác phẩm xuất sắc đạt giải thưởng đợt 2; tổ chức lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015.
Thời gian dự kiến tổ chức tổng kết và trao giải thưởng đợt 2 về sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015, là ngày 14/5/2015 tại Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Để triển khai Hội nghị tổng kết có hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, chương trình Hội nghị tổng kết và trao giải thưởng đợt 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo xây dựng chương trình văn nghệ biểu diễn phục vụ Hội nghị.... Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn lựa chọn tác phẩm thơ đoạt giải thưởng, diễn viên biểu diễn tác phẩm, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chuẩn bị cho việc trưng bày giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật....


Nguồn: langson.gov.vn

Hát sli là một làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Sau 6 năm phục dựng và bảo tồn, loại hình văn hoá phi vật thể này đã thu hút khoảng 1.000 người ở độ tuổi trên 50 tham gia sinh hoạt khá đều đặn tại 6 câu lạc bộ (CLB). Tuy nhiên, những gương mặt tham gia hát sli tại các ngày lễ, ngày hội lại thiếu vắng những lớp người kế cận.

hat sli

Giao lưu hát sli tại Khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

Hát sli dân tộc Nùng đã có từ lâu. Khoảng 25 năm trở về trước, chúng ta thường gặp các tốp thanh niên nam- nữ hát đối đáp, giao duyên với nhau tại các lễ hội, chợ hội, ngày cưới và ngày vào nhà mới... Hát sli là thể hiện tài hoa đối đáp bằng ngôn ngữ dân ca. Từ lâu, người Nùng đã duy trì loại hình hát sli trong các sự kiện biểu diễn; hát sli để bày tỏ tình cảm. Sau các cuộc hát sli tại lễ hội, biết bao đôi thanh niên đã nên vợ, nên chồng... Bà Lâm Bích Liêm, phường Đông Kinh thành phố Lạng Sơn, người đã từng hát sli từ những năm 1986-1990 cho biết: Tuổi trẻ của tôi luôn cháy bỏng với loại hình dân ca của dân tộc Nùng; nếu ai đã từng đi tham dự hát sli chắc hẳn khó quên.
Hát sli đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các sự kiện của xã hội cũng như cộng đồng dân cư. Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và sự hội nhập văn hóa mạnh mẽ nên loại hình hát sli có phần bị lãng quên. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII, công tác bảo tồn, giữ gìn nét đẹp "Vì một nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc", hát sli bắt đầu được quan tâm. Năm 2003, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tư vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, tiến hành nghiên cứu bảo tồn hát sli Phàn Slình tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Đến năm 2010, Hội Bảo tồn Dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ra đời và tiến hành giao nhiệm vụ cho các hội viên vận động những người hát sli lâu năm ở khắp các vùng quê vào các câu lạc bộ (CLB) hát sli; các CLB trực thuộc Hội Bảo tồn dân ca tỉnh. Đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 6 CLB với gần 1.000 hội viên; trong đó, số hội viên ở độ tuổi 50 trở lên chiếm tới 95% và tập trung tại các CLB hát dân ca xã Tân Thành (Hữu Lũng), CLB hát dân ca (Cao Lộc); cùng một số CLB khác thuộc địa bàn các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn.
Từ sau ngày thành lập, công tác bảo tồn duy trì hát sli tại một số lễ hội, chợ hội được các CLB tổ chức khá tốt. Trải qua nhiều năm tổ chức, các hội viên đều nhận thức được rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì bảo tồn loại hình dân ca này. Điểm đáng ghi nhận là xã Tân Thành đã tổ chức thành công 2 lần Hội Hát sli vào ngày 15 tháng Giêng các năm 2014 và năm 2015, thu hút hàng trăm "nghệ nhân" từ các xã lân cận trong huyện và các huyện bạn: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn); Sơn Động, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Tại ngày hội, chúng tôi chứng kiến nhiều ông bà ở độ tuổi ngoài 60, tóc đã bạc quá nửa đầu, da sạm đen mà vẫn đi bộ hơn 7 km để tham dự hội hát sli.
Cùng với ngày hội hát sli Tân Thành, vào các ngày 22 và 27 tháng Giêng, tại Khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, có hàng nghìn người từ khắp các vùng quê về đây tụ hội và tham gia giao lưu hát sli. Tuy nhiên, hiếm thấy có những gương mặt thanh niên.
Trăn trở về thế hệ kế nghiệp hát sli, ông Phương Văn Vá - một "Nghệ nhân hát sli", đồng thời là Chủ nhiệm CLB hát dân ca xã Tân Thành cho biết: Hiện nay, lớp thanh niên không hứng thú với loại hình dân ca này. Điều mà ông quan tâm nhất là làm sao đưa hát sli vào thế hệ trẻ, để mỗi khi xã tổ chức các sự kiện đều được nghe các làn điệu dân ca mang hơi thở của dân tộc. Theo ông, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu phối hợp với Hội bảo tồn dân ca tỉnh kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng dành một phần kinh phí chi cho công tác biên soạn giáo trình và mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ tại các cộng đồng dân cư và trường học; bởi đây là lớp người kế cận lưu giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.


Nguồn: baolangson.vn