Ngày 06/6/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-UBND về Quy chế xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Hoàng Văn Thụ là giải thưởng cao quý được tổ chức trao định kỳ nhằm ghi nhận sự lao động nghệ thuật sáng tạo của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh phong phú, chân thực mọi mặt của đời sống xã hội, đất nước, con người Lạng Sơn trong truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Đối tượng xét thưởng bao gồm các tác phẩm Văn học, nghệ thuật thuộc các lĩnh vực Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình, Điện ảnh, Sân khấu – Biểu diễn, Kiến trúc. Các tác giả trong và ngoài tỉnh có tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, ảnh hưởng tích cực đến đời sống nhân dân Lạng Sơn và gửi phiếu đăng ký xét thưởng theo quy định được Hội đồng Nghệ thuật tỉnh chấp thuận xét thưởng. Mỗi tác phẩm chỉ được xét và trao Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ một lần, những tác phẩm đã xét trao giải thưởng ở kỳ trước hoặc trong các giải thưởng có tính chất tương tự ở Trung ương hoặc các tỉnh khác thì không được xét trao Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ.
Quy chế cũng quy định rõ điều kiện xét thưởng đối với từng thể loại. Về cách thức xét thưởng sẽ thành lập Hội đồng Nghệ thuật cấp tỉnh do UBND tỉnh ra Quyết định; Thành lập các tiểu ban gồm các thành viên trong Hội đồng và mời các nhà quản lý, nhà chuyên môn có uy tín, am hiểu lĩnh vực VHNT tham gia phối hợp với các tiểu ban để nghiên cứu, thẩm định đối với từng thể loại tác phầm. Các tác phẩm được quá bán số phiếu chấp thuận của Hội đồng thì trình UBND tỉnh quyết định trao tặng giải thưởng.
Giải thưởng VHNT Hoàng Văn Thụ được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là cơ quan Thường trực của Giải thưởng, có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tổ chức xét chọn, quyết định công nhận và tổ chức trao tặng Giải thưởng./.

                                                                                             Lô Thùy Linh

Sở Thông tin và Truyền thông

Cuộc thi do Báo ảnh Việt Nam (thuộc TTXVN) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức.
Cuộc thi ảnh "Việt Nam- Đất nước- Con người" là một cuộc thi có uy tín, được tổ chức 5 năm/1 lần. Trong 5 lần tổ chức trước đây, cuộc thi thu hút đông đảo các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước tham gia.
Theo Ban Tổ chức, trong cuộc thi lần thứ 6 này, nội dung các tác phẩm dự thi cần phản ánh về vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam như: Di sản Việt Nam (gồm cả di sản vật thể và phi vật thể); hình ảnh về cộng đồng các dân tộc Việt Nam; thiên nhiên, phong cảnh Việt Nam; chân dung nhân vật điển hình, những thành tựu tiêu biểu trong công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả gửi các tác phẩm ảnh về biển đảo Việt Nam (đặc biệt là về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
Tất cả những người yêu nhiếp ảnh muốn dự thi có thể tìm hiểu thể lệ và trực tiếp gửi tác phẩm của mình trên trang web tại địa chỉ: vndncn.vnanet.vn.
Ban Tổ chức nhận tác phẩm đến hết 16 giờ 30 ngày 31/8/2014.
Kích thước ảnh dự thi cỡ 20cmx30cm trở lên (với ảnh in) và định dạng JPG, độ phân giải 300 piels/inch, dựng ảnh dưới 5MB (với ảnh số). Cuộc thi dành cho tất cả các đối tượng tham gia, không hạn chế số lượng ảnh dự thi.
Với ảnh bộ, không quá 12 ảnh/1 bộ.
Các tác giả tham gia cuộc thi, với ảnh in trên giấy hoặc CD/VCD, USB chứa file ảnh gửi về địa chỉ: Tầng 1, Tòa nhà TTXVN, số 79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Với ảnh dạng file gửi qua e-mail hoặc tải trực tiếp trên website tại địa chỉ httt://vietnam.vnanet.vn hoặc gửi qua email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Lễ công bố và trao giải sẽ diễn ra vào tháng 10/2014, tại Hà Nội./.


Theo Chinhphu.vn

Những thước phim quý giá về biển đảo do các đạo diễn tên tuổi của Việt Nam thực hiện sẽ được chọn công chiếu vào tối 31/5 tại Hà Nội.
Năm bộ phim tài liệu về biển Hoàng Sa, Trường Sa của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được trình chiếu tại hãng phim vào tối 31/5, đều là những bộ phim có nội dung phong phú đầy cảm xúc nói lên cảnh đẹp của quê hương đất nước và con người Việt Nam; ca ngợi sự hy sinh của người lính biển ngày đêm giữ đảo, giữ biển cho quê hương đất nước. Đặc biệt, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cổ vũ, động viên tinh thần để người dân Việt Nam luôn sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Thế hệ đạo diễn gạo cội và những thước phim quý về biển đảo
Những thước phim quý giá về biển đảo được các đạo diễn tên tuổi của Việt Nam thực hiện. Trong đó, cố đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh là tác giả của hơn 50 phim tài liệu nghệ thuật, từng giành giải thưởng Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, Huy chương Vàng trong các liên hoan phim Việt Nam và quốc tế. Bộ phim "Đầu sóng ngọn gió" của ông đã nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1967, trước khi đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I - năm 1970. Bộ phim nói về cuộc sống chài lưới và chiến đấu của nhân dân trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Họ đã ngày đêm đánh trả máy bay Mỹ đến bắn phá đảo, giữ sinh hoạt bình thường

anh 1

"Đầu sóng ngọn gió" là thước phim tài liệu quý giá về biển đảo được lưu giữ tại hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương

Với "Đầu sóng ngọn gió", đoàn làm phim đã khái quát thành công hình tượng kiên cường của người dân Việt Nam trên vùng biển của Tổ quốc, những người dân chài không quen lùi bước trước khó khăn. Sống ở nơi đầu sóng ngọn gió này, nếu sợ khó khăn, họ đã không thể tồn tại đến ngày hôm nay. "Trời đẹp lắm, biển khơi đang chờ đợi bạn chài. Nhìn thẳng ra biển Đông, người dân chài Việt Nam tin ở sức mình, ở sức mạnh của dải đất liền màu xanh vĩ đại phía sau kia".

Cố đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích được biết đến bộ phim "Trường Sa tháng 4/1988". Bộ phim mô tả chân thực, xúc động về cuộc sống của những người lính Trường Sa. Đó là những chiến sĩ trên tàu HQ505, các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, ngày đêm vật lộn với bão sóng, đề phòng bọn cướp biển, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo của mình.

Theo bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương, hai bộ phim của hai cố đạo diễn thuộc thế hệ cha chú là những thước phim hay và xúc động về đề tài biển đảo. Những thế hệ đạo diễn này cũng chính là những người chiến sĩ cầm máy quay ra chiến trường để ghi lại những thước phim hào hùng nhất của đất nước..
Những bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo
Bên cạnh những thước phim kinh điển của 2 đạo diễn gạo gội, thế hệ tiên phong của hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, buổi chiếu phim lần này còn giới thiệu đến công chúng 3 bộ phim "Đảo Lý Sơn" (đạo diễn Công Thành Đức), "André Menras – Một người Việt" và "Biển của người Việt" (đạo diễn Đào Thanh Tùng). Cả 3 bộ phim đều góp phần khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

anh2

"Đảo Lý Sơn" là bộ phim về hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Nam Trung Bộ

"Đảo Lý Sơn" của đạo diễn Công Thành Đức sản xuất năm 2009 là bộ phim về hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Nam Trung Bộ. Những người dân nơi đây giàu tình cảm, chất phát, bám biểm xây dựng quê hương. Đây cũng là nơi xuất quân của Thủy quân các triều đại phong kiến Việt Nam ra quân đảo Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền của đất nước
Hai bộ phim của đạo diễn Đào Thanh Tùng, "André Menras – Một người Việt" và "Biển của người Việt" được sản xuất năm 2011 và 2012. Trong khi "André Menras – Một người Việt" kể câu chuyện về ông Andre Menras, một người Pháp có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, cũng là nhân chứng lịch sử trong nhiều giai đoạn cách mạng Việt Nam, góp cho người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về biển trời Tổ quốc, thì "Biển của người Việt" công bố những "bằng chứng thép" khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc.

anh3

"André Menras – Một người Việt" kể câu chuyện về ông Andre Menras, một người Pháp có cảm tình đặc biệt với Việt Nam

Đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết, thông qua những bằng chứng, căn cứ lịch sử, các văn bản của nước ngoài, các tấm bản đồ..., cùng với nghiên cứu của những nhà khoa học và thông qua đời sống văn hoá tinh thần của các ngư dân vên biển miền Trung, "Biển của người Việt" chứng minh 2 vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong suốt 500 năm qua.

Ngoài việc sử dụng những sử liệu, cứ liệu của Việt Nam và Phương Tây, đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết, ông đặc biệt nhấn mạnh vào việc sử dụng những sử liệu, cứ liệu của chính người Trung Quốc. Đó là tư liệu cổ của Trung Quốc như Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh 1820 – 1841, Bản đồ dầu khí năm 1979 của Trung Quốc, Bản đồ Bưu chính Trung Hoa.... Tất cả đều chỉ ra rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc...

anh4

Những sử liệu, cứ liệu của Trung Quốc đều chỉ ra rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc...

Tổng Giám đốc hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương, bà Phạm Thị Tuyết khẳng định: "Những bộ phim mà chúng tôi đang có là những tư liệu rất quý giá, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ".
Đứng ở góc độ những đơn vị làm phim tài liệu, bà Tuyết cho biết, các nghệ sĩ đứng trước vận mệnh của đất nước phải nhận thấy trách nhiệm của mình để trong tương lai, có thêm nhiều tác phẩm làm về đề tài chiến tranh, hậu chiến tranh, đề tài người lính, biển đảo... Những bộ phim hôm nay là những tư liệu rất quý giá, là những di sản cho thế hệ mai sau.


Theo VOV

280 ảnh nghệ thuật chọn lọc về 15 di sản thế giới của Việt Nam đã được trưng bày tại triển lãm ảnh về các di sản Việt Nam, khai mạc ngày 10/5, tại Hải Phòng.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng Lễ hội hoa Phượng đỏ lần thứ 3 năm 2014.Các bức ảnh là nét chấm phá về vẻ đẹp của các di sản này. Vịnh Hạ Long và vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị địa chất và thẩm mỹ toàn cầu, các hệ sinh thái điển hình, các hang động huyền bí.
Nếu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích thành nhà Hồ, quần thể di tích Cố đô Huế - những bằng chứng nổi bật về quyền lực của chế độ phong kiến các thời đại đã qua của Việt Nam, thì Phố cổ Hội An và khu di tích tháp Chàm-Mỹ Sơn lại là điển hình về sự giao thoa văn hóa đối với sự hội nhập vào nền văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 8 kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, đó là nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát ca trù, hát xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hội Gióng đền Phù Đổng-đền Sóc và mới đây nhất là văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử của Nam Bộ.
Đặc biệt, triển lãm trưng bày những hình ảnh về quần đảo Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, tiêu biểu cho các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình của châu Á, nổi bật là quần thể đá vôi lớn nhất châu Á.
Với những giá trị đó, quần đảo Cát Bà đang trên lộ trình đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 20/5/2014.


Theo VietnamPlus