Thể lệ Cuộc thi sáng tác Biểu trưng tỉnh Quảng Bình

Căn cứ Kế hoạch số 1246/KH-UBND ngày 23/6/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 - 2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (01/7/1989 - 01/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (01/7/1989 - 01/7/2024); Căn cứ Kế hoạch số 1548/KH-UBND ngày 02/8/2023 của UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình; Căn cứ Quyết định số 2253/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình; Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình thông báo Thể lệ cuộc thi như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CUỘC THI

1. Mục đích

- Thông qua cuộc thi để lựa chọn 01 (một) Biểu trưng (logo) thể hiện được đặc trưng của tỉnh Quảng Bình để sử dụng chính thức trong các hoạt động thông tin tuyên truyền; phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác đối nội, đối ngoại của tỉnh. Góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Quảng Bình đến bạn bè trong và ngoài nước. 

- Phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân tham gia Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình. 

2. Yêu cầu 

- Công tác tổ chức cuộc thi phải đảm bảo chặt chẽ, khoa học, khách quan, thiết thực, hiệu quả; công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm sâu rộng, thu hút nhiều tác giả tham gia.

- Mẫu Biểu trưng (logo) được lựa chọn bảo đảm đúng theo quy định của thể lệ cuộc thi, phải đạt được những yêu cầu về thiết kế như tính thẩm mỹ, sự độc đáo, đặc trưng, ấn tượng, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết và dễ ghi nhớ; có tính ứng dụng cao, sắc nét khi hiển thị trên thiết bị điện tử, thuận tiện trong việc in ấn, thu phóng, đắp nổi, gia công trên mọi chất liệu, thuận tiện cho việc tuyên truyền.

II. TÊN GỌI VÀ NỘI DUNG

1. Tên gọi: Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình.

2. Nội dung: 

- Sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình phải có tính khái quát, nghệ thuật cao, tiêu biểu, nổi bật về truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Quảng Bình trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh được những thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới.

- Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình thể hiện những nét đặc trưng, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương, có khả năng ứng dụng cao.

Thông tin chi tiết về tỉnh Quảng Bình có thể xem thêm tại:

http://svhtt.quangbinh.gov.vn

http://quangbinhtourism.vn

http://baoquangbinh.vn

http://quangbinh.gov.vn

http://qbtv.vn

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ TÁC PHẨM DỰ THI

1. Đối tượng dự thi

- Các tổ chức, cá nhân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài có khả năng sáng tác, thiết kế biểu trưng (trừ các thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Tổ thư ký).

- Các tác giả có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm tác giả.

- Độ tuổi thí sinh không hạn chế; trường hợp dưới 18 tuổi phải có người giám hộ hợp pháp làm đại diện đủ năng lực, hành vi dân sự trước pháp luật.

2. Tác phẩm dự thi

2.1. Hình thức thể hiện

- Thể hiện trên khổ giấy A4 (29,7cm x 21cm). Mẫu biểu trưng phóng to đặt chính giữa tờ giấy khổ A4, kích thước không quá 15cm x 15cm. Phía dưới, bên phải và bên trái của mẫu biểu trưng phóng to, là 02 mẫu biểu trưng thu nhỏ (đen trắng và màu) kích thước không quá 3cm x 3cm. Phía dưới bên góc trái tờ giấy là thông số màu của biểu trưng, phía dưới bên góc phải tờ giấy là phần mã số của Hội đồng nghệ thuật (theo Mẫu 2). Tác phẩm dự thi ngoài việc thể hiện trên giấy A4, cần sao chép file mềm vào đĩa CD hoặc USB.

- Chữ thể hiện trên Biểu trưng (logo): “Quảng Bình”.

- Mỗi mẫu biểu trưng phải có bản thuyết minh kèm theo không quá 100 từ trên khổ giấy A4 (theo Mẫu 3).

2.2. Màu sắc: Tối đa 03 (ba) màu (không kể màu trắng)

2.3. Bố cục: Chặt chẽ, hài hòa giữa màu sắc và hình khối (phù hợp với thể loại biểu trưng).

2.4. Số lượng tác phẩm dự thi của mỗi tác giả, nhóm tác giả không quá 03 tác phẩm.

IV. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ CÁCH THỨC GỬI HỒ SƠ DỰ THI

1. Thời gian: Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ sau ngày ban hành Thể lệ   Cuộc thi đến 16h00’ ngày 15/11/2023 (đối với những tác phẩm gửi qua đường bưu điện, sẽ lấy thời gian trên dấu Bưu điện để tính ngày nộp tác phẩm dự thi). Hết thời gian trên, nếu Ban Tổ chức chưa nhận được nhiều tác phẩm dự thi, thì sẽ xem xét, quyết định gia hạn thời gian nhận tác phẩm dự thi.

2. Hồ sơ dự thi

- Phiếu đăng ký dự thi (theo Mẫu 1).

- Mẫu thiết kế biểu trưng (logo) trên khổ giấy A4 (theo Mẫu 2).

- Bản thuyết minh nội dung, ý nghĩa tác phẩm dự thi (mỗi tác phẩm một bản thuyết minh) (theo Mẫu 3).

- File mềm đính kèm trong thư điện tử (đối với hồ sơ nộp trực tuyến).

Tất cả thành phần hồ sơ dự thi nêu trên được đóng kín trong 01 phong bì khổ lớn (kích thước 32cm x 42cm), bên ngoài phong bì ghi: “Mẫu Biểu trưng tham gia Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình”. Đối với hồ sơ nộp trực tiếp và các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo, tác giả nộp thêm 01 USB chứa file gốc.

3. Nơi nhận và cách thức nhận hồ sơ dự thi

- Hình thức 1: Tác phẩm dự thi gửi trực tiếp tại cơ quan Thường trực Ban Tổ chức hoặc theo đường bưu điện. 

Nơi nhận: Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình (Phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình. Số 02. Nguyễn Thị Minh Khai,  thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Điện thoại: 0232.822875. Điện thoại di động: 0945945756). 

- Hình thức 2: Tác giả gửi hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ email của Ban Tổ chức  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

V. PHƯƠNG THỨC CHẤM CHỌN VÀ CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

1. Phương thức chấm chọn tác phẩm dự thi

Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi xét chọn theo 3 bước, cụ thể:

- Bước 1 (Sơ khảo): Căn cứ theo thể lệ, tiêu chí cuộc thi Hội đồng nghệ thuật sẽ xem xét và đánh giá các tác phẩm dự thi kèm theo bản thuyết minh để chấm và chọn ra 10 tác phẩm có kết quả điểm cao nhất từ đánh giá của Hội đồng để đề cử vào vòng Chung khảo. 

- Bước 2 (Chung khảo): Trên cơ sở 10 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng nghệ thuật sẽ bàn bạc, thảo luận lấy ý kiến của các chuyên gia để đánh giá sâu sắc hơn những giá trị nghệ thuật, tính sáng tạo, ý tưởng tạo hình và thông điệp của từng  tác phẩm dự thi. Từ đó sẽ tiến hành chấm và chọn ra  03 tác phẩm tốt nhất theo kết quả điểm đánh giá của Hội đồng để đề cử trao các giải Cuộc thi theo cơ cấu giải thưởng.

- Bước 3: Trên cơ sở các tác phẩm được chọn đề cử vào các giải của cuộc thi Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi sẽ lấy ý kiến các thành viên và tiếp tục cho điểm đánh giá để chọn 01 mẫu xuất sắc nhất, phù hợp nhất với mục đích, yêu cầu của cuộc thi để trao giải nhất và sử dụng làm biểu trưng chính thức của tỉnh. Đồng thời đánh giá 2 tác phẩm còn lại ấn định giải Nhì và giải Ba theo thang điểm thấp dần của Hội đồng. 

Trường hợp nếu có tác phẩm có điểm cao nhất cần phải điều chỉnh thêm cho hoàn chỉnh hơn thì Hội đồng sẽ đề nghị tác giả chỉnh sửa, bổ sung cho đến khi tác phẩm hoàn thiện cao nhất để trở thành tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi.

2. Cơ cấu giải thưởng

Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận, kèm theo tiền thưởng cho các tác phẩm đạt giải theo cơ cấu và giá trị giải thưởng như sau:

- 01 giải Nhất: 100.000.000 đồng/giải (Một trăm triệu đồng)

- 01 giải Nhì:   50.000.000 đồng/giải (Năm mươi triệu đồng)

- 01 giải Ba:    30.000.000 đồng/giải (Ba mươi triệu đồng)

Trường hợp không lựa chọn được tác phẩm đạt giải Nhất, Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, đề nghị gia hạn thời gian dự thi.

VI. HỘI ĐỒNG NGHỆ THUẬT

Hội đồng nghệ thuật cuộc thi gồm các nhà quản lý, nhà sử học, các nhà chuyên môn có uy tín trong lĩnh vực thiết kế đồ họa thuộc các cơ quan, đơn vị, các chuyên ngành ở Trung ương và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình.

VII. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA TÁC GIẢ CÓ TÁC PHẨM DỰ THI

- Tác giả gửi tác phẩm dự thi được hiểu và chấp thuận mọi quy định trong thể lệ Cuộc thi. Người dự thi chịu trách nhiệm về quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Tác phẩm dự thi chưa được sử dụng, chưa xuất hiện trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào ở trong nước và nước ngoài.

- Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được sử dụng tác phẩm dự thi này phục vụ các hoạt động thương mại nào khác.

- Không được sử dụng Biểu trưng (logo) đã đạt giải tại Cuộc thi này để tham gia vào bất kỳ cuộc thi nào khác.

- Tác giả của tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi được nhận tiền thưởng và Giấy chứng nhận của Ban tổ chức Cuộc thi.

- Tác giả dự thi phải chịu trách nhiệm thanh toán mọi chi phí và các khoản nộp thuế liên quan đến giải thưởng theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Tất cả các tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức không trả lại cho tác giả tham gia Cuộc thi.

- Ban Tổ chức Cuộc thi có quyền yêu cầu tác giả sửa đổi, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với yêu cầu, đặc điểm khi sử dụng làm biểu trưng (Logo) chính thức của tỉnh Quảng Bình.

- Tác giả đạt giải khi đi nhận giải thưởng cần xuất trình căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân.

VIII. BẢN QUYỀN VÀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI NHỮNG TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI

- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình được toàn quyền sở hữu, sử dụng bản quyền vô thời hạn cũng như toàn quyền đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm đạt giải được chọn làm biểu trưng của tỉnh Quảng Bình.

- Tác giả dự thi chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm dự thi của mình theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện có vi phạm bản quyền tác giả sau khi đã công bố giải thưởng, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ hủy bỏ kết quả xếp loại và thu hồi giải thưởng đối với tác phẩm đó; đồng thời, không chịu trách nhiệm khi có xảy ra tranh chấp quyền tác giả của tác phẩm.

- Mọi thông tin có liên quan đến Cuộc thi sẽ được cập nhật, thông báo trên: Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình; Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình; Cổng du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tỉnh Quảng Bình; Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình và các kênh thông tin do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình chỉ đạo thực hiện.

Trên đây là Thể lệ Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình; Ban Tổ chức Cuộc thi rất mong nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các tập thể, cá nhân trong nước và nước ngoài để Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình tổ chức thành công tốt đẹp.

KẾ HOẠCH

Triển khai Cuộc thi viết và Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề

“Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”

trong Công an Lạng Sơn

Thực hiện Kế hoạch số 387/KH-BCA-X03 ngày 25/7/2023 của Bộ Công an về tổ chứcCuộc thi viết và Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”,Công an tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch triển khai trong Công an Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký và Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” là hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động.

2. Thông qua Cuộc thi viết và Trại sáng tác âm nhạc, văn học nhằm tuyên truyền những chiến công, truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát cơ động qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; ca ngợi sự hy sinh, những giây phút sinh tử của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động giữa thời bình; biểu dương gương điển hình trong lực lượng Cảnh sát cơ động... qua đó góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát cơ động nói riêng “Bản lĩnh - Nhân văn - Vì nhân dân phục vụ” vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân.

3. Tổ chức Cuộc thi viết và Trại sáng tác âm nhạc, văn học đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có sức tuyên truyền rộng khắp, thu hút đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, nghệ thuật và cán bộ, chiến sĩ trong Công an Lạng Sơn hưởng ứng tham gia.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP

1. Nội dung chủ đề

- Ca ngợi bản chất anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát cơ động trong 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; khẳng định đây là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Lấy ngôn ngữ nghệ thuật để khắc họa những tấm gương dũng cảm hy - sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động qua các thời kỳ; hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát cơ động là khắc tinh của các loại tội phạm, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự.

- Ca ngợi tình cảm tốt đẹp, sự quan tâm, hiệp đồng giúp đỡ của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, xã hội và Nhân dân dành cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động.

2. Loại hình sáng tác: Ca khúc, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký.

3. Đối tượng tham gia

- Mọi công dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có thể tham gia Cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký và Trại sáng tác âm nhạc, văn học về nội dung chủ đề trên với số lượng tác phẩm không hạn chế.

- Mời các nhạc sĩ, nhà viết văn chuyên nghiệp trong và ngoài Công an nhân dân tham gia Trại sáng tác. Khuyến khích, động viên các tác giả là cán bộ, chiến sĩ Công an có khả năng, năng khiếu tham gia sáng tác.

4. Biện pháp tiến hành

4.1. Tổ chức Cuộc thi viết

- Công an các đơn vị, địa phương thông báo kế hoạch của Công an tỉnh phát động Cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký và tổ chức Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống" đến đông đảo Nhân dân, các văn nghệ sĩ và cán bộ, chiến sĩ Công an để hưởng ứng tham gia (khuyến khích cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động tham gia); đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học, nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông địa phương phối hợp tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, động viên cán bộ, chiến sĩ có khả năng, năng khiếu tham gia sáng tác.

- Thời gian tiếp nhận tác phẩm: Công an các đơn vị, địa phương; các tập thể, cá nhân ngoài lực lượng Công an nhân dân gửi tác phẩm hưởng ứng Cuộc thi sáng tác với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” về Công an tỉnh (qua Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, số 15, đường Hoàng Văn Thụ, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) thời hạn cuối cùng là ngày 15/10/2023 (theo dấu công văn đến hoặc dấu bưu điện).

-Ban Giám khảo Cuộc thi Công an tỉnh tiến hành chấm sơ khảo các tác phẩm tham dự cuộc thi viết trong Công an Lạng Sơn, lựa chọn tác phẩm có chất lượng gửi Ban Tổ chức Bộ Công an: Thời gian thực hiện chấm sơ khảo từ ngày 20/10/2023 đến ngày 25/10/2023.

- Một số quy định về Cuộc thi viết:

(1) Tham gia cuộc thi đồng nghĩa với việc tác giả chấp thuận những quy định của Cuộc thi.

(2) Tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới, chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi.

(3) Sử dụng ngôn từ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam.

(4) Bài viết có thể đánh máy hoặc chép tay rõ ràng trên khổ giấy A4 (không nhận tác phẩm in thành sách hoặc ấn phẩm).

(5) Tác phẩm gửi về phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghệ nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, số điện thoại cá nhân. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất họ tên và bút danh.

(6) Người dự thi đồng ý với tất cả quy định trong Thể lệ cuộc thi.

(7) Tác giả cam kết chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với tác phẩm của mình, đảm bảo không có tranh chấp bản quyền. Nếu các tác phẩm được trao giải vi phạm về bản quyền, Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo sẽ xem xét thu hồi và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Tổ chức chỉ giải quyết mọi trường hợp khiếu nại về kết quả cuộc thi trong vòng 7 ngày, tỉnh từ ngày công bố kết quả.

(8) Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm nếu trường hợp bài dự thi bị thất lạc trong quá trình gửi đến Ban Tổ chức,

(9) Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng bài dự thi cho các hoạt động tuyên truyền; tác giả không được khiếu nại về bản quyền.

(10) Quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng.

4.2. Tổ chức Trại sáng tác

- Thời gian: 25 ngày, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023.

- Ban Tổ chức Trại sáng tác Bộ Công an mời các nhạc sĩ, nhà viết văn chuyên nghiệp trong và ngoài Công an nhân dân đăng ký tham gia. Đối với các tác giả không có thời gian tham gia trại sáng tác có thể gửi tác phẩm về Ban tổ chức đảm bảo đúng nội dung, chủ đề quy định.

- Các tác giả gửi đề cương chi tiết tác phẩm về Ban Tổ chức (qua Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, số 47 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội) trước ngày 01/8/2023.

- Một số quy định về Trại sáng tác

+ Đối với tác giả:

(1) Đăng ký tham gia và cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động sáng tác, nội quy, quy chế Trại sáng tác;

(2) Kết thúc Trại sáng tác, mỗi tác giả có ít nhất 01 tác phẩm theo nội dung chủ đề, thể loại gửi Ban Tổ chức;

(3) Ban Tổ chức đảm bảo phương tiện đi lại, nơi ăn, nghi; hỗ trợ kinh phí sáng tác và điều kiện phục vụ hoạt động sáng tác của các tác giả (Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo có tác phẩm tham gia hoạt động sáng tác của Trại nhưng sẽ không tham dự xét giải).

+ Đối với tác phẩm:

(1) Tác phẩm sáng tác tại Trại phải là tác phẩm mới, chưa được phổ biến, quảng bá dưới bất kỳ hình thức nào;

(2) Ban Tổ chức được toàn quyền lựa chọn, sử dụng tác phẩm của các tác giả tham gia Trại sáng tác.

4.3. Thời gian tổng kết, trao giải thưởng Cuộc thi viết và Trại sáng tác: Bộ Công an tổ chức tổng kết, khen thưởng, trao giải cho các tập thể, cá nhân, các tác giả có tác phẩm đạt giải vào tháng 2/2024.

5. Cơ cấu giải thưởng cấp Bộ Công an

5.1. Cuộc thi viết

- 01 Giải đặc biệt xuất sắc: 15.000.000₫ và Bằng khen của Bộ Công an.

- 10 giải A: 10.000.000 giải và kèm theo Bằng khen của Bộ Công an.

- 15 giải B: 7.000.000đ/giải và Bằng khen của Bộ Công an.

- 20 giải C: 5.000.000đ/giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ công an.

- 30 giải khuyến khích: 3.000.000/giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ công an.

5.2. Trại sáng tác

* Giải thưởng lĩnh vực âm nhạc

- 01 Giải đặc biệt xuất sắc: 30.000.000đ và Bằng khen của Bộ Công an.

- 02 Giải A: 25.000.000đ/giải và Bằng khen của Bộ Công an.

- 03 Giải B: 20.000.000đ/giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị. Bộ công an.

- 05 Giải C: 15.000.000₫ giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ công an.

- 10 Giải Khuyến khích: 10.000.000đ/giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ công an.

* Giải thưởng lĩnh vực văn học

- 01 Giải đặc biệt xuất sắc: 30.000.000đ và Bằng khen của Bộ Công

- 02 Giải A: 20.000.000đ/giải và Bằng khen của Bộ Công an.

- 03 Giải B: 15.000.000đ/giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị. Bộ công an.

- 05 Giải C: 10.000.000đ/giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ công an.

- 10 Giải Khuyến khích: 5.000.000đ/giải và Giấy khen của Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ công an.

7. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá tác phẩm

- Ban Tổ chức Cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký và Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” Bộ Công an lựa chọn các tác phẩm xuất sắc để giới thiệu, công bố rộng rãi trong Công an nhân dân và công chúng; xuất bản, phát hành trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.

- Chuyển thể các tác phẩm văn học có chất lượng tốt sang kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình, điện ảnh để phổ biến, giới thiệu các tác phẩm trong đời sống hàng ngày, các sự kiện văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị trong Công an nhân dân.

III.Tổ chức thực hiện

 Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức phát động tới toàn thể CBCS trong đơn vị hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả kế hoạch Cuộc thi trong Công an tỉnh đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, tập hợp tác phẩm dự thi gửi về Công an tỉnh (qua Phòng PX03) trước ngày 15/10/2023 để tập hợp chuyển Ban Giám khảo Công an tỉnh tổ chức chấm sơ khảo, gửi bài tham gia về Ban Tổ chức Bộ Công an. Kết quả tham gia Cuộc thi là tiêu chí để đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua tập thể, cá nhân năm 2023.

Phòng PX03: Là đơn vị thường trực Cuộc thi trong Công an tỉnh; tham mưu ban hành kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai của các đơn vị; tổng hợp báo cáo kết quả theo quy định.

          Quá trình triển khai thực hiện có nội dung cần trao đổi, đề nghị liên hệ Phòng PX03 (Đồng chí Thượng úy Đinh Thị Trang, cán bộ Đội Điều lệnh, quân sự, võ thuật, văn thể, ĐT: 0944.654.988) để phối hợp, giải quyết./.

THỂ LỆ

Cuộc thi giọng hát hay tỉnh Lạng Sơn lần thứ I năm 2023

           I. QUY ĐỊNH CHUNG

          1. Thể lệ này quy định về nội dung, hình thức, đối tượng tham gia Cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Lạng Sơn lần thứ I năm 2023 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức;

          2. Tất cả các thí sinh tham gia Cuộc thi chấp hành tốt thể lệ của Cuộc thi, tuân thủ yêu cầu của Ban Tổ chức trong các hoạt động của Cuộc thi; không yêu cầu thù lao bồi dưỡng hoặc bất cứ điều kiện vật chất nào; Ban Tổ chức được quyền sử dụng hình ảnh, video clip tiết mục tham gia Cuộc thi của thí sinh vào mục đích quảng bá, truyền thông trước, trong và sau Cuộc thi;

3. Thí sinh vào vòng bán kết (cấp tỉnh) phải nộp cho Ban Tổ chức bản sao các giấy tờ chứng minh được có nguyên quán là người Lạng Sơn, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lạng Sơn. Tất cả thông tin thí sinh cung cấp cho Ban Tổ chức cần trung thực, chính xác và chịu tránh nhiệm về những thông tin do mình cung cấp. Trong trường hợp thí sinh thông tin không chính xác, có thể bị loại;

4. Thí sinh vào vòng chung kết tự ý bỏ cuộc sẽ không được tham gia các Cuộc thi, Liên hoan khác do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức sau này, đồng thời chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra (nếu có). Ban Tổ chức xem xét những trường hợp có lý do chính đáng;

5. Ban Tổ chức có quyền thay đổi các quy định để đảm bảo việc giải quyết những phát sinh phù hợp với thực tế của Cuộc thi, và loại bất cứ thí sinh nào khi phát hiện có vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín Cuộc thi;

6. Trong khi tham dự cuộc thi, thí sinh phải sử dụng trang phục gọn gàng, lịch sự, không được mặc trang phục phản cảm; không được sử dụng trang phục có in ấn logo hoặc các thương hiệu sản phẩm hoặc in chữ nước ngoài nếu chưa được sự đồng ý của Ban tổ chức;

7. Thí sinh, ngoài phần tiết mục dự thi, phải tham gia những tiết mục biểu diễn chung do Ban tổ chức dàn dựng;

8. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại hoặc phát hiện các dấu hiệu gian lận liên quan đến cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trực tiếp giải quyết và quyết định của Ban tổ chức là quyết định cuối cùng.

II. QUY ĐỊNH CHI TIẾT

1. Nội dung, thể loại:

- Về nội dung: Thí sinh lựa chọn các ca khúc viết về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên, cuộc sống...

- Về thể loại: Thí sinh chọn bài hát phù hợp với giọng hát của mình, có thể lựa chọn các dòng nhạc: Dân gian, Thính Phòng, Nhạc nhẹ.

- Thí sinh không sử dụng bài hát quốc tế (ca khúc nước ngoài) để dự thi. Trường hợp sử dụng các bài hát bằng tiếng dân tộc, phải có dịch nghĩa bằng tiếng Việt.

2. Đối tượng

Cuộc thi áp dụng cho công dân Việt Nam có nguyên quán là người Lạng Sơn; hoặc có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lạng Sơn, tuổi đời từ 16 – 35 tuổi, có khả năng và niềm đam mê ca hát; không phân biệt giới tính, thành phần dân tộc; không có tiền án, tiền sự hoặc trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đáp ứng các tiêu chí Thể lệ của Cuộc thi do Ban Tổ chức quy định.

Không áp dụng đối với các nghệ sỹ, ca sĩ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

3. Hình thức cuộc thi

Cuộc thi diễn ra qua 03 vòng: Vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Mỗi thí sinh dự thi trình bày 01 (một) bài hát đăng ký với Ban Tổ chức theo nội dung yêu cầu của Cuộc thi.

           3.1. Vòng sơ tuyển: Tổ chức tại thành phố và các huyện (Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Lạng Sơn; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện.

          Thí sinh hát 01 (một) lần bài hát đã đăng ký bằng nhạc beat (không thu bè) đã chuẩn bị trước hoặc sử dụng nhạc cụ riêng của mình.

Ban Tổ chức sẽ chọn những thí sinh có số điểm cao nhất để dự thi vòng bán kết.

               3.2. Vòng bán kết: Cấp tỉnh, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn (số 2A đường Nhị Thanh, Phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn)

-  Thí sinh thể hiện trực tiếp 01 (một) ca khúc đã đăng ký với Ban Tổ chức (không sử dụng lại bài hát đã dự thi ở vòng sơ tuyển).

- Thí sinh hát 01 (một) lần bài hát đã đăng ký và sử dụng phần nhạc đệm bằng nhạc beat (không thu bè) đã chuẩn bị trước hoặc sử dụng nhạc cụ riêng của mình.

- Khuyến khích các thí sinh có sự đầu tư dàn dựng, các hình thức minh họa, phụ họa như: múa, nhảy, hát bè, clip hình ảnh, hoạt cảnh...

- BTC sẽ thực hiện ghi hình phần biểu diễn của các thí sinh để thực hiện bình chọn thí sinh có lượt được bình chọn nhiều nhất.

         (Ghi chú: Tại vòng bán kết Ban Tổ chức hỗ trợ mỗi thí sinh số tiền: 2.000.000đ (hai triệu đồng chẵn) để tham dự vòng thi. Thí sinh tự túc bố trí chỗ ăn, nghỉ, phương tiện đi lại và chuẩn bị trang phục, trang điểm cá nhân để biểu diễn dự thi).

          3.3. Vòng chung kết: Tổ chức tại thành phố Lạng Sơn (dự kiến Hội trường Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn - số 2A đường Nhị Thanh, Phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn)

               - Thí sinh thể hiện trực tiếp 01 (một) ca khúc đã đăng ký với Ban Tổ chức trước mười ngày khi diễn ra vòng chung kết (thí sinh có thể hát lại bài dự thi ở vòng Bán kết, nhưng bắt buộc phải sử dụng phần nhạc đệm bằng bản phối khí, do Ban tổ chức chuẩn bị).

- Yêu cầu thí sinh phải nộp bản nhạc có lờì hát cho Ban tổ chức trước mười ngày.

(Khuyến khích các thi sinh thể hiện các tác phẩm viết về lịch sử, thiên nhiên, con người... của quê hương Lạng Sơn)

- Ban Tổ chức bố trí band nhạc đệm trực tiếp, các thí sinh không sử dụng nhạc beat.

- Ban tổ chức sẽ đầu tư phần dàn dựng minh họa, nhóm bè phù hợp với từng thí sinh, và bố trí cho các thí sinh luyện tập với ban nhạc trước đêm chung kết.

- Đêm chung kết sẽ được Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng trực tiếp.

         (Ghi chú: Tại vòng chung kết Ban Tổ chức hỗ trợ mỗi thí sinh được lọt vào vòng chung kết cấp tỉnh số tiền: 3.000.000 (ba triệu đồng chẵn) để tham dự vòng thi. Thí sinh tự túc bố trí chỗ ăn, nghỉ, phương tiện đi lại tập luyện và chuẩn bị trang phục, trang điểm cá nhân để biểu diễn dự thi).

         Ngoài các nội dung trên, trong quá trình diễn ra Vòng Bán kết và Vòng Chung kết cuộc thi, nếu có các nguồn tài trợ XHH, Ban tổ chức sẽ xem xét hỗ trợ thêm cho thí sinh hoặc bổ sung tổ chức các hoạt động thiện nguyện, tuyên truyền, quảng bá cho Cuộc thi thêm ý nghĩa.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC

1.  Tổ chức thông báo, phát động cuộc thi

Bắt đầu từ ngày 20/7/2023 Ban tổ chức Cuộc thi tiến hành thông báo, phát động cuộc thi rộng rãi tới toàn thể quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Thời gian tổ chức các vòng thi

2.1. Tổ chức vòng sơ tuyển

- Thời gian: Từ 15/9 đến 20/9/2023

- Địa điểm:Vòng sơ tuyển được diễn ra tại Thành phố và các huyện

Các thí sinh có nguyện vọng dự thi, gửi phiếu đăng ký trực tiếp tới Trung tâm văn hóa - Thể thao thành phố, Trung tâm văn hóa và Truyền thông nơi sinh sống.

- Trung tâm văn hóa – Thể thao thành phố, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông các huyện thực hiện việc sơ tuyển, lập danh sách thí sinh được lọt vào vòng chung khảo và ca khúc dự thi của thí sinh lên Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh trước ngày 23/9/2023.

2.2. Tổ chức vòng bán kết

- Từ ngày 27- 30/9/2023: Thí sinh tập luyện làm quen sân khấu

         - Ngày 01 - 02/10/2023: Tổ chức vòng bán kết.

2.2. Tổ chức vòng chung kết

- Từ ngày 17 -22/10/2023: Giám đốc Âm nhạc trao đổi với thí sinh, phối bài và tập luyện với các thí sinh

         - Ngày 22/10/2023:

         + Từ 7h30- 16h30: Dự kiến chạy sân khấu, ghép nhạc và Tổng duyệt

         + Từ 19h30- 22h30: Tổ chức đêm Chung kết

3. Đăng ký dự thi

Các thí sinh có nhu cầu đăng ký dự thi Cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Lạng Sơn năm 2023 gửi phiếu đăng ký theo mẫu đến Trung tâm văn hóa - Thể thao thành phố, Trung tâm văn hóa và Truyền thông huyện nơi sinh sống.

Thời gian đăng ký: Từ ngày 25/7/2023 đến ngày 13/9/2023

(Thí sinh tải mẫu phiếu đăng ký trên trang thông tin điện tử của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa chỉ : https://sovhtt.langson.gov.vn/. hoặc đến trực tiếp các Trung tâm văn hóa - Thể thao thành phố, Trung tâm văn hóa và Truyền thông huyện nơi sinh sống để lấy mẫu phiếu và đăng ký dự thi)

          IV. BAN GIÁM KHẢO, TỔ THƯ KÝ

1. Ban Giám khảo Cuộc thi do Ban tổ chức ra quyết định thành lập, gồm các nghệ sỹ, nhạc sỹ, ca sỹ có chuyên môn, kinh nghiệm, có uy tín trong lĩnh vực âm nhạc của tỉnh và của Trung ương trực tiếp đánh giá, chấm điểm, xếp loại chất lượng từng tiết mục nghệ thuật khách quan, công tâm, chính xác và đề xuất giải thưởng trình Ban tổ chức quyết định.

2. Tổ thư ký: giúp Ban Giám khảo tổng hợp kết quả Cuộc thi của từng cá nhân; bảo mật kết quả chấm điểm khi chưa được phép công bố.

V. TIÊU CHÍ CHẤM ĐIỂM

Điểm của thí sinh được chấm theo thang điểm 10, là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban giám khảo, chấm nhỏ nhất đến 0,5 điểm; điểm giữa các giám khảo không được chênh lệch nhau quá 1,5 điểm. Trưởng Ban Giám khảo là người quyết định cuối cùng.

1. Giọng hát: 7,0 điểm

2. Phong cách, kỹ năng biểu diễn : 2,0 điểm

3. Kỷ luật sân khấu: 1,0

4. Giải thí sinh có bình chọn nhiều nhất: tính theo lượt bình chọn của khán giả qua fanpage của cuộc thi(Ban tổ chức lập fanpege Cuộc thi quy định thời gian bắt đầu và kết thúc bình chọn)

VI. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

Dự kiến cơ cấu giải thưởng: 15 giải

- 01 Giải nhất: 20.000.000 và Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức

- 02 Giải nhì: 15.000.000 và Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức

- 03 Giải ba: 10.000.000 và Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức

- 05 Giải khuyến khích: 5.000.000 và Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức

- 03 Giải chuyên đề: 5.000.000 và Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức

- 01 Giải bình chọn nhiều nhất: 5.000.000 và Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức

* Căn cứ tình hình thực tế nếu cần thiết Ban tổ chức sẽ họp thống nhất và điều chỉnh số lượng, cơ cấu giải thưởng và cho phù hợp.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thể lệ này được áp dụng trong Cuộc thi Giọng hát hay lần thứ I của tỉnh Lạng Sơn năm 2023, được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

 

THÔNG BÁO

VỀ XÉT GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HOÀNG VĂN THỤ

LẦN THỨ V NĂM 2019

Căn cứ Quyết định số 824/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Về việc ban hành Quy chế xét Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ;

          Thực hiện chương trình hoạt động năm 2019, với vai trò là cơ quan Thường trực tham mưu cho UBND tỉnh Xét Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ, Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn thông báo tổ chức Xét Giải thưởng Hoàng Văn Thụ lần thứ V năm 2019 như sau:

Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ là Giải thưởng cao quý dành cho lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật định kỳ 5 năm một lần.

Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ dành cho những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, sáng tác về mảnh đất, con người Lạng Sơn, được xuất bản, công bố trong thời gian 5 năm (từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 8 năm 2019).

Thời gian tiếp nhận hồ sơ của các tập thể và cá nhân đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng từ ngày 01/8/2019 đến hết ngày 10/9/2019 (tính theo dấu bưu điện đối với các hồ sơ gửi qua đường bưu điện).

Địa điểm tiếp nhận: Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn, địa chỉ: Số 03 đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. ĐT: (0205) 3812 231

Để các tập thể và cá nhân có nhu cầu tham dự Giải thưởng nắm được những nội dung cơ bản, Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng xin đăng tải Quy chế Xét Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ (Ban hành kèm theo Quyết định số 824/UBND ngày 06/6/2014 của UBND tỉnh Lạng Sơn) trong đó Điều 8.Quy định về mức thưởng kèm theo các giải thưởng cho từng thể loại của Quy chế sẽ có Quyết định của UBND tỉnh Quy định riêng về mức Giải thưởng của kỳ xét giải lần thứ V năm 2019.

 

 

QUY CHẾ

Xét Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 824/UBND ngày 06/6/2014

của UBND tỉnh Lạng Sơn)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

          Điều 1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật là kết quả quá trình lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ, của cá nhân hoặc tập thể tác giả. Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ là giải thưởng cao quý được tổ chức trao định kỳ, nhằm ghi nhận sự lao động nghệ thuật sáng tạo của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, phản ánh phong phú, chân thực mọi mặt của đời sống xã hội, đất nước, con người Lạng Sơn trong truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định việc tiến hành xét và trao tặng định kỳ giải thưởng mang tên Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ.

          Điều 2. Giải thích từ ngữ

          - "Tác phẩm văn học, nghệ thuật" là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

          - "Cá nhân hay tập thể tác giả" là một người hoặc nhiều người cùng tham gia sáng tạo tác phẩm.

          - "Các giải thưởng tương tự" là những giải thưởng tôn vinh văn học, nghệ thuật như Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng của các tỉnh.

          - "Sau kỳ xét thưởng lần trước liền kề" là thời gian từ kỳ xét thưởng kỳ trước đến kỳ tiếp theo.

          - "Quy định định kỳ xét thưởng" là hạn thời gian từ lần xét thưởng lần trước đến lần tiếp theo.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT THƯỞNG VÀ ĐIỀU KIỆN XÉT THƯỞNG

          Điều 3. Đối tượng xét thưởng

1. Tác phẩm: Các tác phẩm văn học, nghệ thuật thuộc các lĩnh vực: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình, Điện ảnh, Sân khấu - Biểu diễn, Kiến trúc.

2. Tác giả: Các tác giả trong tỉnh và ngoài tỉnh có tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, ảnh hưởng tích cực đến đời sống nhân dân Lạng Sơn và gửi phiếu đăng ký xét thưởng theo quy định được Hội đồng nghệ thuật tỉnh chấp thuận xét thưởng.

          Điều 4. Điều kiện xét giải thưởng

Các tác phẩm sáng tạo, công bố, xuất bản, phát hành hợp pháp trong 5 năm sau kỳ xét giải thưởng lần trước liền kề.

          1. Đối với tác phẩm Văn học:

          - Tiểu thuyết: Tác phẩm phải trọn bộ (từ 1 đến nhiều tập)

          - Truyện ngắn, Truyện ký, Thơ: Tác phẩm là một tập hoàn chỉnh. Khi xét thưởng có thể xét cho cả tập hoặc xét cho các tác phẩm hay, tiêu biểu nhất trong tập sách đó.

          - Văn nghệ dân gian: Tác phẩm phải có từ một cuốn sách sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu.

          - Kịch bản văn học: Tác phẩm là trọn bộ sách. Khi xét có thể xét cho cả tập hoặc xét cho tác phẩm hay, tiêu biểu nhất trong tập sách đó.

          2- Đối với tác phẩm Âm nhạc - Ca khúc:

Phải có từ 01 tập bản nhạc - ca khúc hoặc chọn lọc ít nhất 03 tác phẩm nhạc - ca khúc đã xuất bản thể hiện trên giấy kèm theo băng ghi âm, đảm bảo thời gian từ 03 phút trở lên.

          3- Đối với Ảnh nghệ thuật:

Phải có từ 03 tác phẩm, khổ ảnh 30cm X 45cm, đã tham dự Triển lãm toàn quốc hoặc khu vực, tỉnh.

          4- Đối với tác phẩm Mỹ thuật:

          Đối với Tranh: Phải có từ 03 tác phẩm tranh, kích thước tối thiểu từ 60cm x 80cm, đã tham gia Triển lãm toàn quốc hoặc khu vực, tỉnh.

          Đối với Tượng, Phù điêu: Phải có từ 01 tác phẩm trở lên, có chiều cao từ 60cm trở lên, đã tham gia Triển lãm toàn quốc hoặc khu vực, tỉnh.

          5- Đối với tác phẩm Điện Ảnh:

Phải có từ 01 tác phẩm phim, kèm theo băng hình của phim.

          6- Đối với tác phẩm Sân khấu – Biểu diễn (Kịch bản sân khấu, kịch bản truyền hình, vở diễn, tác phẩm múa ...):

Phải có từ 01 tác phẩm trở lên đã được công diễn, được trình bày trên giấy và băng hình thể hiện kèm theo.

          7- Đối với tác phẩm Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình:

Phải có từ 01 tác phẩm là trọn bộ sách hoặc cuốn sách.

8- Tác phẩm Kiến trúc:

Hội Kiến trúc tự xem xét, phối hợp với Hội đồng nghệ thuật của tỉnh trình UBND tỉnh về đối tượng, điều kiện, các tác phẩm xét thưởng cụ thể.

Chương III

CÁCH THỨC XÉT THƯỞNG VÀ QUY ĐỊNH GIẢI THƯỞNG

         

          Điều 5. Cách thức, trình tự

          Bước 1- Thành lập Hội đồng nghệ thuật cấp tỉnh (Gọi tắt là Hội đồng) do Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định.

          Bước 2- Hội đồng thành lập các tiểu ban gồm các thành viên trong Hội đồng và mời các nhà quản lý, nhà chuyên môn có uy tín, am hiểu lĩnh vực văn học, nghệ thuật (có thể mời chuyên môn thuộc các ngành hữu quan ở Trung ương) tham gia phối hợp các tiểu ban để nghiên cứu, thẩm định đối với từng thể loại tác phẩm. Sau đó các tiểu ban tổng hợp trình bày trước Hội đồng về giá trị tác phẩm để Hội đồng xem xét.

          Bước 3- Các tác giả gửi tác phẩm đăng ký xét thưởng (theo mẫu phiếu đăng ký do Hội đồng quy định) cho Ban Thư ký Hội đồng trước ngày 30 tháng 8 của năm xét tặng giải thưởng.

          Bước 4- Các Tiểu ban và các thành viên trong Hội đồng có nhiệm vụ xem xét từng tác phẩm một cách khách quan, trung thực, công bằng, chính xác. Các thành viên Hội đồng có tác phẩm dự xét giải thưởng không tham gia bỏ phiếu cho tác phẩm của mình.

          Bước 5- Hội đồng xem xét từng tác phẩm cụ thể. Trong quá trình thảo luận nếu đa số ý kiến trong Hội đồng có sự thống nhất về nhận thức, quan điểm thì tiến hành bỏ phiếu kín. Các tác phẩm được quá bán số phiếu chấp thuận của Hội đồng thì trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trao tặng giải thưởng. Nếu đa số các ý kiến trong Hội đồng chưa thống nhất về nhận thức và quan điểm xem xét thì dành thêm thời gian để các Tiểu ban và các thành viên trong Hội đồng nghiên cứu thêm các tác phẩm đó, sau đó tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu xếp loại giải thưởng.

          Các giải thưởng được phân theo thứ hạng: A, B, C.

          Ban Thư ký là bộ phận giúp việc cho Hội đồng nghệ thuật tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong quá trình theo dõi, tổng hợp, xây dựng quy định, cách thức, soạn thảo các văn bản cần thiết.

          Điều 6. Quy định định kỳ xét thưởng

          Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định định kỳ xét và trao Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ là 5 năm một lần.

          Điều 7. Quy định tác phẩm tham gia xét Giải thưởng

          Mỗi tác phẩm chỉ được xét và trao Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ một lần. Những tác phẩm đã được xét hoặc trao giải thưởng ở kỳ trước hoặc trong các giải thưởng có tính chất tương tự ở Trung ương hoặc các tỉnh khác thì không được xét trao Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ.

          Điều 8. Quy định về mức thưởng kèm theo các giải thưởng cho từng thể loại (sẽ có Quyết định riêng)

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

          Điều 9. Hội đồng nghệ thuật tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

          Điều 10. Các tác giả có tác phẩm dự thi thực hiện đúng Quy định; không xét giải thưởng cho tác phẩm không đủ điều kiện quy định tại Quy chế này.

          Điều 11. Quy chế gồm 4 Chương, 11 Điều.

          Trong quá trình thực hiện, nếu có những nội dung quy định không còn phù hợp, Hội đồng sẽ xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung vào định kỳ xét thưởng lần sau ./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

Vy Văn Thành

(Đã ký)

         

Page 3 of 5